Con đường bê tông dẫn vào khu nhà lá nhập nhòa ánh điện sau cơn mưa đột ngột. Hai đứa trẻ đứng dưới mái hiên bên cạnh những thùng xốp hứng nước mưa đợi chị về.Nhìn những giọt nước từ mái tôn rơi lỏm tỏm xuống chiếc thùng đã đầy nước, đứa anh bảo thằng em: “Tao vừa biết học đếm, để tao đếm xem có bao nhiêu giọt nước rơi xuống thùng xốp cho đến khi chị mình về”. Thằng em vỗ tay: “Anh giỏi quá, anh dạy cho em đếm với nhé”.
Thế rồi một giọt, hai giọt... cứ tí tách rơi xuống trong sự chờ đợi người chị về. Thằng em đếm theo thằng anh ngeh rất rõ ràng, vừa đếm vừa cười hi hí bởi tiếng nước giọt nghe vui tai. Trong nhà, bà ngoại hai đứa trẻ đang cầm cái vỉ đuổi ruồi, lâu lâu lại vỗ đen đét xuống cái nền đất đi lại lâu ngày thành ra bóng như màu đá lát nhà. Lâu lâu bà lại gọi với ra ngoài hiên: “Nó vẫn chưa về à, hai thằng bây đói thì vào ăn trước!”. Ngoài kia, tiếng hai đứa trẻ vọng vào, “dạ, dạ”. Nhưng chúng vẫn không vào ăn trước dù rất đói. Đói vì cả ngày lang thang từ con phố này đến con phố khác, đứa đánh giầy, đứa bán vé số.
Đứa anh đếm mỏi miệng rồi ngồi bệt xuống thềm hiên, nơi có những viên gạch để bước từ sân lên hiên nhà đã phủ một lớp rêu xanh. Thằng em thấy thế cũng ngồi sát bên, thì thầm vào tai anh, “em đói rồi”. Thằng anh gõ đầu em, bảo mày chỉ biết ăn, hôm nay mày kiếm được bao nhiêu tiền nào. Mày phải thương chị mình, giờ chắc chị cũng đói lắm, chắc có lẽ mớ báo trong ngày bán chưa hết.
Nói rồi thằng anh nuốt nước miếng cái ực, “tao kể cho mày nghe chuyện tao thích cái đùi gà như thế nào”. Thằng anh mô tả cái đùi gà nằm trong tủ kính của một quán cháo, nó vàng ươm, thơm ngon làm sao. Thằng em trầm trồ, “em cũng đã ăn quẩy gà rồi”. Hôm đó có ông khách sang trọng gọi tô cháo với cái quẩy gà vàng khè chễm chệ gác trên mép tô. Nghe điện thoại xong ông vội vã tính tiền. Thấy em đến mời mua vé số ông ấy kéo em lại, bảo ông cho mày đấy, ăn đi. Hôm đó em về nhà nhét cơm hết vào được vì chẳng có món gì của bà nấu ngon hơn cái đùi gà đó! Thằng anh lầm bầm trong miệng, “chắc tết mẹ mới về, mẹ về chắc sẽ có đùi gà mà ăn. Mà sao mẹ đi lâu quá nhỉ, bà bảo mẹ không về nữa, tao không tin”. Nghe thằng anh nói, đứa em rướm nước mắt.
Tiếng chiếc xe đạp cộc cạch của người chị vọng lên từ đầu con hẻm, to dần, to dần đến lúc hai đứa em la lên, bà ơi chị đã về. Đứa chị năm nay mười hai tuổi, thân hình ốm như que tăm, áo quần như đã ướt và đang khô dần lại. “Hai thằng bây sao không ăn trước với bà mà chờ, mưa to quá, báo ướt hết, trốn không kịp”, người chị nói.
Bốn người trong căn nhà xập xệ, nghiêng nghiêng như trực chờ cơn bão nào đó tới chỉ cần thoảng qua là ngã. Trong nhà đồ đạc lộn xộn, có vài cái chậu, tô nhựa đặt ở nền nhà, trên giường để hứng nước mưa do nhà bị dột. Tiếng nói cười, kể chuyện đi đường của ba đứa trẻ sau một ngày làm việc khiến bà ngoại bực mình. “Ăn đi rồi kể cũng được, không ăn mấy con ruồi xanh nó ăn hết bây giờ”.
Xóm nhà lá là nơi tập hợp những căn nhà như thế, dù cách đó không xa, có những siêu thị, nhà hàng sang trọng bậc nhất ở thành phố.
Trong những căn nhà đó là những đứa trẻ cơ nhỡ, sống lay lắt cùng với những người quen, thân. Có khi chỉ là những người gặp ở ngoài đường rồi đem về cùng ở cho vui. Và như thế, cứ đùm bọc nhau như máu mủ.
Khi rảnh rỗi tôi thường rong ruổi tới những nơi như thế, những khu nhà ổ chuột, những ngôi nhà lá, hay xóm vạn đò... để tìm một chút đối lập của mảng sáng thành phố. Đó là những gì còn lại “buồn thiu” của lòng phố: nghèo đói, thất học, bệnh dịch... dù nhà cao tầng cứ rẽ mây mà xây lên, siêu thị, nhà hàng vẫn mọc như nấm.
Tôi thường tìm tới đó để rồi xót xa. Vì ở đó, mùa mưa, những đứa trẻ đều có một điểm chung: Trong giấc mơ thường thấy mình bị ướt.